LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Tôn Giả Ưu Bà Li - Phần 3 Empty Tôn Giả Ưu Bà Li - Phần 3

Thu Nov 09, 2017 6:28 pm
8.- PHÉP TẮC THĂM HỎI BỆNH NHÂN:

Nên thăm hỏi người bệnh như thế nào? Ưu Ba Li đã từng nêu vấn đề này lên để thỉnh ý Phật. Về phía người bệnh dù đang trong lúc mang bệnh, cũng phải như thế nào mới đúng giới pháp? Về phía người thăm bệnh, khi thăm bệnh cũng phải như thế nào mới đúng giới pháp? Đó là những vấn đề mà tôn giả rất quan tâm.

Có một lần, nhân đi theo sau Phật tôn giả trông thấy một vị tì kheo bị bệnh đang nằm ở nơi dơ dáy mà không thể đứng dậy được. Tôn giả cũng biết được có trường hợp một vị tì kheo bị bệnh nằm ở bên đường, một vị tì kheo khác đi ngang trông thấy, nhưng vì Phật chưa chế giới điều nào về việc chăm sóc bệnh, nên vị tì kheo ấy chỉ đi một vòng quanh bệnh nhân rồi bỏ đi, chứ không chăm sóc gì cả. Lại có một vị tì kheo bị bệnh khác, lấy có rằng bị bệnh thì không cần phải giữ giới, nên cứ tự tiện sống theo ý riêng của mình. Vì có những sự việc đã xảy ra như vậy, nên tôn giả đem ra thỉnh ý Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu có một vị tì kheo cao đức bị bệnh thì chúng con nên đến thăm hỏi và chăm sóc như thế nào?

Phật dạy:

- Này Ưu Ba Li! Khi vó một vị tì kheo cao đức bị bệnh thì không nên để vị ấy nằm ở trong phòng nhỏ chật hẹp, mà phải để nằm nơi phòng ở dãy trước, rộng rãi, thoáng khí, sáng sủa. Các đệ tử của đại đức ấy phải quét dọn phòng sạch sẽ, cắm hoa, đốt hương, và lúc nào cũng túc trực hầu cận một bên để cho thầy sai việc. Nếu có các vị tì kheo khác tới thăm hỏi thì nên đem trà nước hoa quả ra mời. Nếu được hỏi han thì người bệnh nên trả lời; nếu vì sức yếu quá không trả lời được thì vị thị giả phải trả lời thay. Những vị đến thăm thì phải tùy theo tình trạng người bệnh mà an ủi.

Nói pháp, và làm bất cứ việc gì để giúp đỡ cho người bệnh, kể cả việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu như cơm nước, thuốc thang. Nếu có các Phật tử tại gia đến thăm bệnh thì mời họ ngồi, và nhân tiện nói pháp cho họ nghe; nếu họ có cúng dường thì nên niệm Phật và chú nguyện cho họ. Lúc nào người bệnh muốn đi tiêu, đi tiểu thì tất cả mọi người đến thăm bệnh phải ra khỏi phòng ngay; trong phòng người bệnh đã có thị giả phục dịch, nhưng ở ngoài cửa cũng nên có một người nữa để trông chừng, phòng có kẻ đột nhập vào. Này Ưu Ba Li, nếu có vị tì kheo cao đức nào bị bệnh thì nên theo cách thức đó mà thăm hỏi và chăm sóc.

- Bạch Thế Tôn! Nếu có một tì kheo kém đức bị bệnh thì chúng con nên thăm hỏi và chăm sóc như thế nào?

- Này Ưu Ba Li! Khi một tì kheo kém đức bị bệnh thì nên để vị ấy nằm ở nơi kín đáo hơn, không để cho mùi hôi hám bay tỏa ra ngoài. Thầy hoặc đệ tử của vị ấy phải lo chăm sóc. Nếu vị ấy không có thầy và đệ tử thì nên cắt cử từ một đến ba vị trong chúng để chăm sóc. Những nhu cầu thiết yếu của người bệnh như cơm nước thuốc thang thì những vị nuôi bệnh này phải cung cấp. Nếu những vị này không có thì đại chúng phải cung cấp. Nếu đại chúng cũng không có thì nên lấy những vật gì có giá trị của người bệnh như y bát v.v... đem đổi lấy lấy cơm nước thuốc thang.

Nếu người bệnh tiếc của không cho lấy thì phải trình lên vị trưởng lão quản chúng để dùng lời lẽ khéo léo thuyết phục, người bệnh bằng lòng thì mới đem đổi được. Nếu cũng không được nữa thì đại chúng nên đi xin để nuôi bệnh. Nếu xin không có thì nên lấy những thức ngon trong đồ ăn của tăng chúng để nuôi bệnh. Nếu trong chúng không có thức ăn ngon thì người nuôi bệnh phải mang hai bình bát đi vào trong xóm khất thực, rồi chọn bát nào có thức ăn ngon thì đem cho người bệnh. Này Ưu Ba Li, phải theo cách thức đó mà chăm sóc cho một tì kheo kém đức.

Quan tâm đến bệnh hoạn của tăng chúng, tôn giả đã thỉnh ý Phật để có được những qui định rõ ràng không những về việc chăm sóc, mà cả đến việc xử lí các di vật của người bệnh để lại trong trường hợp vị này viên tịch. Sự lưu tâm thật cẩn thận và tỉ mỉ như thế của Ưu Ba Li đối với người bệnh, đã làm sáng tỏ lòng từ bi, vị tha cũng như tinh thần giữ giới nghiêm cẩn của tôn giả.

Người xuất gia đã cắt đứt mọi sự ràng buộc của gia đình, thân tộc, xa lìa làng xóm để hoàn toàn sống vói tăng đoàn, mà gặp những lúc bệnh hoạn, nếu không có người chăm sóc thì thật là khổ sở. Nhưng từ khi Ưu Ba Li đặt vấn đề trình lên Phật thì không còn sự khổ sở đó nữa. Việc chăm sóc người bệnh đã được liệt vào một trong tám thứ ruộng phước (tức là tám đối tượng mà người tu hành nên cung kính cúng dường để tạo phước báo: chư Phật, các bậc thánh nhân, bổn sư truyền giới, quí vị thọ dạy cho oai nghi tế hạnh trong lễ thọ giới, chư tăng, cha, mẹ, và người bệnh hoạn.- Chú thích của người dịch) của người tu học. Thầy, sư huynh, sư đệ, và đệ tử của người bệnh đều có thể chăm sóc cho người bệnh. Sau cuộc pháp đàm này giữa Phật và Ưu Ba Li thì vấn đề bệnh hoạn trong tăng đoàn rất được mọi người để ý đến.

9.- HÒA HỢP TĂNG VÀ PHÁ HÒA HỢP TĂNG:

Trên lập trường tuân thủ giới luật, ngoài những vấn đề liên quan đến pháp chế, nam nữ, bệnh hoạn, tôn giả Ưu Ba Li còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề hòa hợp và phá hòa hợp tăng. Dù tăng đoàn sống trong tinh thần “Sáu phép hòa kính”, nhưng quan trọng là phải cùng giữ gìn giới thì mới sống chung được. Cho nên đối với một vị tì kheo giữ giới thì hòa hợp tăng là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Một ngày nọ, lúc Phật ngự tại thành Xá Vệ, nhân để ý đến sự đoàn kết trong tăng đoàn, Ưu Ba Li đã đến trước Phật, đảnh lễ và bạch:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là phá hòa hợp tăng?

- Này Ưu Ba Li! Nếu một vị tì kheo hiểu rõ đạo lí, giữ giới luật, sống đúng như giáo pháp, thì các đệ tử của vị ấy, bất luận là xuất gia hay tại gia, đều phải cung kính, lễ bái và tu học theo sụ dạy bảo của vị ấy. Nếu có người tỏ ra khinh thị, chê cười, chế nhạo, hủy báng, đó là phá hòa hợp tăng. Nếu các tín đồ tại gia đối với tăng chúng xuất gia khởi sinh vọng tưởng phân biệt nhân ngã, hoặc khêu gợi hiềm khích để gây chia rẽ, hoặc tạo ra những chuyện rắc rối làm cho náo loạn, đó là phá hòa hợp tăng. Nếu các quan quân chính quyền dùng quyền lực để can thiệp vào nội bộ các tự viện, li gián tăng ni, đó là phá hòa hợp tăng.

- Bạch Thế Tôn! Phá hòa hợp tăng thì phạm tội như thế nào?

- Ưu Ba Li! Nếu phạm tội phá hòa hợp tăng, phải bị đọa địa ngục, chịu khổ trong một kiếp.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là hòa hợp tăng?

- Ưu Ba Li! Kính trọng, lễ bái, tu học theo các vị tì kheo sống đúng như giới luật, như giáo pháp, cũng như phát tâm ủng hộ, khen ngợi và xây dựng sự hòa kính cho tăng chúng, đó là hòa hợp tăng.

- Bạch Thế Tôn! Hòa hợp tăng thì công đức gì?

- Ưu Ba Li! Nếu hòa hợp tăng thì được sinh lên cõi trời, hưởng thọ sung sướng trong một kiếp.

Đối với công và tội của sự hòa hợp tăng và phá hòa hợp tăng, tôn giả không phải là không biết, nhưng ở đây, ý của tôn giả là muốn gợi vấn đề lên để xin Phật đích thân nói, cốt làm tăng tầm quan trọng cho sự việc. Tôn giả đúng là một mẫu người khiêm cung, giữ phép và hiểu biết. Thái độ đó, tác phong đó của tôn giả thật đáng chúng ta kính yêu!

10.- KẾT TẬP TẠNG LUẬT:

Bình nhật, tôn giả là người có đủ khả năng đức độ và uy tín để giải quyết các việc rắc rối trong tăng đoàn, làm phép yết ma sám hối cho các tì kheo phạm giới, cũng như cùng với Phật bàn thảo về những chỗ vi tế của giới luật, và dần dần nghiễm nhiên trở thành một vị có thanh danh trong tăng đoàn; riêng về phương diện giới luật thì tôn giả lại là người có uy thế lớn nhất. Phật khen ngợi tôn giả là vị có giới hạnh nghiêm túc nhất, đại chúng cũng công nhận tôn giả là vị giữ giới bậc nhất. Những vị tì kheo và tì kheo ni không hiểu rõ giới luật, muốn đến hỏi Phật, nhưng sợ phiền phức thì đều đến hỏi tôn giả. Tôn giả như là chuông đại đồng, thường ngày tuy không hay phát biểu, luận bàn, nhưng mỗi khi chuông được thỉnh lên thì âm thanh phát ra vang vọng khắp chốn đều nghe.

Giới luật là vì tăng đoàn mà thiết chế, hơn nữa, vì là một vị giữ giới nghiêm túc, nên trong cuộc đời của Ưu Ba Li, tôn giả không bao giờ xa rời tăng đoàn, ít tới lui với người thế tục, cũng không hề có một hoạt động nào nhằm vào quần chúng, xã hội. Cho nên khi ghi lại những sự việc liên quan đến cuộc đời của tôn giả, chúng tôi chỉ có thể ghi được những sự kiện ở trong tăng đoàn mà thôi.

Khi Phật nhập diệt thì tôn giả khoảng hơn bảy mươi tuổi. (Trong tiết 2, “Cạo Tóc Cho Phật”, ở trên, tác giả nói, khi Phật về thăm Ca Tì La Vệ lần đầu tiên sau ngày thành đạo thì tôn giả Ưu Ba Li khoảng 20 tuổi. Lúc đó Phật đã 38 tuổi. Vậy khi Phật nhập diệt thì tôn giả chỉ khoảng hơn 60 tuổi thôi, chứ không phải hơn 70 tuổi như tác giả nói ở đây. - Chú thích của người dịch). Khi các vị đệ tử lớn của Phật vân tập tại hang núi Kì Xà Quật (về địa danh này, xin xem lại “chú thích của người dịch” ở trang 288 - người dịch) để kết tập kinh điển - do tôn giả Đại Ca Diếp làm thượng thủ - thì tôn giả A Nan được đại chúng suy cử kết tập tạng Kinh và chính tôn giả đã được suy cử kết tập tạng Luật; nhưng khi vừa được suy cử thì tôn giả liền khiêm tốn khước từ:

- Đây là trách nhiệm quá lớn lao, tôi không dám nhận lãnh. Xin đại chúng suy cử một vị trưởng lão khác.

Tôn giả Đại Ca Diếp quyết ủng hộ tôn giả, nên nói ngay:

- Đại đức Ưu Ba Li, xin đừng từ chối! Hôm nay tuy có đông đủ năm trăm vị tì kheo đều thuộc hàng trưởng lão, nhưng ngay từ đầu đức Thế Tôn đã kí thác cho đại đức thành tựu mười bốn pháp. Vậy trừ đức Thế Tôn ra, tăng đoàn đã từng công nhận đại đức là người giữ giới bậc nhất, cho nên trong pháp hội hôm nay, chính đại đức là người duy nhất có thẩm quyền để đọc tụng tạng Luật mà thôi!

Nghe vậy, tôn giả không còn từ chối được nữa. Trước hết tôn giả đưa ra một số nguyên tắc, và sau khi được toàn thể đại chúng chấp thuận, tôn giả bắt đầu đọc tụng tạng Luật. Trong khi đọc tụng, đối với mỗi điều giới, tôn giả đều nói rõ thời gian, địa điểm, đối tượng và nguyên do chế giới. Tôn giả cũng đề cập đến sự phạm giới, đến mức độ nào thì có tội hoặc trở nên vô tội. Với những điều ghi nhớ thật chi tiết, tỉ mỉ như thế, tôn giả đã làm cho toàn thể đại chúng vô cùng bội phục và tin tưởng.

Một người xuất thân từ dòng giống hạ tiện, nhưng đã được địa vị cao cả trong tăng đoàn, cuối cùng lại còn là người chủ trì tạng Luật trong cuộc kết tập thánh điển, đó không phải là điều ngẫu nhiên! Tôn giả Ưu Ba Li thật xứng đáng được thế nhân kính ngưỡng, là tấm gương cho các dân tộc đau khổ hướng lên để thêm mạnh lòng tin, và làm cho ánh sáng bình đẳng của Phật pháp chiếu rọi khắp cả chúng sinh, muôn đời không dứt.

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết